Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát
Bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương là một tác phẩm giàu cảm xúc, khắc họa sâu sắc hình ảnh người mẹ gắn liền với những lời ru thấm đượm tình yêu thương.
Qua việc phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát, người đọc cảm nhận được tình mẹ thiêng liêng, những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc được lưu giữ trong từng câu hát, từng lời ru, đồng thời thấu hiểu hơn về nỗi niềm và sự hy sinh lặng lẽ của người mẹ.
Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát siêu hay
Tình mẫu tử từ bao đời nay vẫn luôn là điều thiêng liêng nhất trong cuộc sống của mỗi con người. Đó là thứ tình cảm nuôi dưỡng chúng ta từng ngày, mang đến những cái ôm dịu dàng mỗi tối, làn gió mát giữa trưa hè oi ả từ chiếc quạt tay của mẹ, và cả những lời ru ngọt ngào vang lên trong đêm khuya yên tĩnh.
“Tình mẫu tử” – ba chữ ngắn gọn nhưng lại chất chứa bao ý nghĩa cao cả, thiêng liêng. Chính vì thế, tình mẫu tử luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong văn học, được các thi nhân khắc họa và thể hiện đầy cảm xúc. Bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó.
Khi đọc “Trong lời mẹ hát”, một bài thơ tuy ngắn nhưng chất chứa những tầng ý nghĩa sâu sắc, mỗi chúng ta không khỏi suy ngẫm về chính mình.
“Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến xôn xao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.”
Đúng vậy, thời gian trôi qua một cách vô tình, cứ thế lặng lẽ đi mà chẳng bao giờ ngoái lại dù chỉ một lần. Thời gian đã khiến mái tóc của mẹ ngày càng bạc màu, những lo toan và vất vả cũng làm dáng hình mẹ trở nên yếu đi, khiến những người làm con không khỏi chạnh lòng. Như trong bài thơ “Ngày xưa có mẹ” của tác giả Thanh Nguyên đã từng viết:
“Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc.”
Có thể thấy rằng, mẹ luôn yêu thương con bằng cả trái tim mình, chẳng quản khó khăn, gian khổ chỉ để con có một cuộc sống đủ đầy nhất. Sự hy sinh cao cả ấy, quả thật không thể nào diễn tả hết bằng lời.
Tác giả, với nghệ thuật nhân hóa và cách sử dụng từ láy tinh tế, đã thổi hồn vào hai câu đầu của bài thơ, từng chi tiết đều được khắc họa khéo léo, khiến những đứa con xa mẹ không khỏi bồi hồi, nhớ thương…
Người con như cây trúc xanh của mùa xuân, vươn lên mạnh mẽ, tràn đầy sức sống, trong khi tấm lưng mẹ ngày càng còng xuống. Con đâu hay biết, có biết bao gánh nặng chồng chất trên đôi vai gầy guộc ấy.
Nghệ thuật đối lập trong hai từ “còng – cao” đã khắc họa rõ nét hình ảnh người mẹ tảo tần, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời,” để con có thể trưởng thành cả về trí tuệ lẫn nhân cách, trở thành một người hữu ích cho xã hội.
Nhưng dù cho thế giới bên ngoài có đổi thay, tình yêu của con dành cho mẹ vẫn luôn bất diệt. Đó là tình yêu được mẹ ươm mầm, nâng niu và chăm chút bằng tất cả sự dịu dàng, ân cần và lặng lẽ suốt bao năm tháng. Như trong bài thơ “Thư gửi mẹ” của Êxênin đã từng viết:
“Chỉ mẹ là niềm tin, là ánh sáng diệu kỳ
Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước.”
Một người con mải mê với công việc, lo tìm kiếm hạnh phúc riêng mà quên mất rằng nơi quê nhà, vẫn còn bóng dáng gầy guộc của mẹ ngày ngày tựa cửa, mong ngóng con trở về. Còn điều gì lớn lao hơn tình yêu mẹ dành cho con?
Còn điều gì sâu sắc hơn ánh mắt đầy thương yêu của mẹ luôn dõi theo con? Tất cả những tình cảm chân thật nhất mà ta đang khao khát tìm kiếm, thực ra chỉ có trong lòng mẹ.
Tình yêu ấy được mẹ gìn giữ, cất sâu trong trái tim và sự hy sinh bao dung vô bờ bến. Đáng trách biết bao cho những ai không nhận ra giá trị của tình yêu ấy, như trong bài thơ “Bông hồng vàng” của Nguyễn Đình Vinh đã từng viết:
Có đôi lúc
Mải mê quay với dòng đời ồn ã
Những đô hội thị thành
Những phương trời lạ
Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha.”
Khi đứa con mải mê chạy theo những chân trời xa lạ, tình yêu ấm áp của mẹ cha nơi quê nhà dường như đã bị lãng quên. Chỉ khi giấc mộng say tỉnh dậy, người con ấy mới chợt nhận ra tình yêu vĩnh cửu, bất biến từ thuở ấu thơ. Đó quả thực là một thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý.
Những câu thơ cuối của tác giả như trầm xuống, đầy sâu lắng qua hình ảnh:
“Thời gian chạy qua tóc mẹ,
Một màu trắng đến nôn nao.
Lưng mẹ cứ còng dần xuống,
Cho con ngày một thêm cao.”
Mái tóc bạc trắng và tấm lưng còng đi của mẹ hiện lên đầy xót xa, khiến bao người đọc không khỏi ngậm ngùi. Những hình ảnh ấy như đánh thức tình cảm sâu kín trong mỗi người con, gợi nhắc về trách nhiệm và lòng biết ơn dành cho đấng sinh thành.
“Mẹ ơi trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa …”
Khổ thơ cuối đã thể hiện trọn vẹn tình cảm sâu sắc của con dành cho mẹ. Trong những lời ru đầy yêu thương của mẹ, hòa cùng những giấc mơ, là cả một tương lai rộng mở phía trước. Biện pháp nhân hóa được sử dụng đầy tinh tế khi cho rằng lời ru đã “chắp con đôi cánh”.
Đôi cánh ấy chính là sự khích lệ, nguồn động viên to lớn giúp con đủ mạnh mẽ để đối mặt với những thử thách trên đường đời, luôn có mẹ âm thầm phía sau nâng đỡ khi con vấp ngã. Như lời mẹ nhắn nhủ: “Hãy đi đi, con yêu, mang theo đôi cánh này cùng những ước mơ lớn lao nhất của con. Hãy để nó làm con thêm mạnh mẽ và tự tin.”
Với đôi cánh từ lời ru của mẹ, con có thể bay xa, chạm đến những chân trời tươi đẹp nhất, xây dựng một cuộc sống thành công. Và trong hành trình ấy, con không bao giờ được quên rằng, chính lời ru năm xưa của mẹ đã là nền tảng giúp con thực hiện những ước mơ của mình. Biết bao trân quý và biết ơn dành cho những câu hát mà mẹ đã dành tặng.
Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất, không gì trên đời có thể sánh bằng. Đó là tình cảm mà mỗi con người không thể nào thiếu trong cuộc đời.
Bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương như dòng suối ngọt lành chảy qua tâm hồn, khơi gợi và tôn vinh tình mẫu tử. Tin rằng, những giá trị đẹp đẽ ấy sẽ còn lưu mãi trong lòng người đọc, từ hôm nay cho đến mai sau.