Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác

Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác là một trong những cách hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Viễn Phương. Bài thơ không chỉ thể hiện lòng kính trọng và tưởng nhớ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn phản ánh những cảm xúc thiêng liêng, xúc động của tác giả khi đến viếng lăng Bác. 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích những hình ảnh, biểu tượng và thông điệp mà bài thơ truyền tải, để hiểu rõ hơn về tình cảm sâu sắc của người dân đối với vị lãnh tụ kính yêu.

Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác mẫu 1

Bài thơ “Viếng Lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương là một tác phẩm mang đậm tình cảm kính yêu và xót xa của tác giả khi viếng thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Qua từng câu chữ, Viễn Phương đã bày tỏ sự tưởng nhớ sâu sắc và lòng kính trọng vô hạn đối với Bác.

Vào năm 1976, khi đất nước vừa được thống nhất và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội được khánh thành, Viễn Phương đã có dịp ra thăm miền Bắc và viếng thăm Bác Hồ. Chính trong dịp này, ông đã sáng tác bài thơ “Viếng Lăng Bác” và đưa vào tập thơ “Như mây mùa xuân” (in năm 1978). 

Bài thơ không chỉ là sự thể hiện lòng thành kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là những cảm xúc sâu lắng, những hình ảnh sống động, phản ánh niềm tự hào, sự tiếc thương và sự kính trọng vô bờ bến của dân tộc đối với Bác.

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

Mở đầu bài thơ, Viễn Phương sử dụng lời giới thiệu giản dị, gần gũi: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Cách xưng hô “con – bác” thể hiện một tình cảm sâu sắc, thân thương, mang đậm chất Nam Bộ. Từ “con” ở đây không chỉ thể hiện mối quan hệ gia đình, mà còn khắc họa tình cảm kính yêu, gắn bó của nhân dân miền Nam với Bác Hồ. 

Hình ảnh “con” từ miền Nam xa xôi vượt qua muôn vàn khó khăn để đến thăm Bác khiến người đọc cảm nhận được sự thiêng liêng, kính trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại.

Đặc biệt, tác giả đã dùng từ “thăm” thay vì “viếng”, một từ có thể làm tăng sự trang trọng và nỗi đau thương trong buổi tiễn biệt. Việc dùng “thăm” cho thấy sự mong mỏi của tác giả, dù Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh của Bác vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Sự ly biệt là điều không ai mong muốn, nhưng nó không thể làm mờ nhạt tình cảm trong sáng ấy.

Tiếp theo, hình ảnh đầu tiên mà tác giả đưa vào là “hàng tre bát ngát”. Tre, một loài cây quen thuộc trong đời sống người Việt, không chỉ là biểu tượng của sức sống bền bỉ mà còn đại diện cho những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam: kiên cường, bất khuất. 

Khi tác giả kết hợp với hình ảnh “bão táp mưa sa”, đó là ẩn dụ cho những khó khăn, gian khổ mà đất nước đã trải qua trong suốt cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, giống như cây tre, dù có trải qua bao nhiêu thử thách, con người Việt Nam vẫn kiên cường, không bị khuất phục, vẫn đứng hiên ngang, vững vàng đối diện với thử thách của thời gian.

Phân tích bài thơ Qua đèo Ngang

Phân tích nhân vật Vũ Nương

Và đến khổ thơ thứ hai:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

Hai câu thơ đầu của bài thơ “Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương khắc họa hình ảnh “mặt trời” với hai tầng nghĩa sâu sắc. “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh của mặt trời tự nhiên, chuyển động theo quy luật tuần hoàn của thời gian, là chân lý hiển nhiên mà không ai có thể phủ nhận.

 Đó là biểu tượng của sự sống, vĩnh hằng và bất diệt. Tuy nhiên, câu thơ “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” lại là hình ảnh ẩn dụ, ví Bác Hồ như một mặt trời, có sức tỏa sáng mãnh liệt, lan tỏa sự sống và ánh sáng cho dân tộc Việt Nam. 

Mặt trời Bác không chỉ chiếu sáng cuộc đời mà còn thổi hồn vào đất nước, vào cây cỏ, vào vạn vật, tạo nên sức sống tươi mới, ngập tràn niềm tin và hy vọng.

Ánh sáng của mặt trời tự nhiên sẽ phải nhường chỗ cho đêm tối, nhưng ánh sáng phát ra từ “mặt trời Bác” là bất tận, không bao giờ tắt. Ánh sáng ấy trở thành “điểm tựa vững chắc” cho cả dân tộc, cho mỗi người dân Việt Nam. 

Đó là ánh sáng của sự thật, của lẽ phải, của lòng nhân ái và trí tuệ. Như vậy, dù Bác đã ra đi, hình ảnh của Người và ánh sáng Người tỏa ra vẫn còn mãi, chiếu rọi vào cuộc sống, mãi không phai mờ.

Hai câu thơ tiếp theo mô tả dòng người nối dài, không ngừng tiếp bước vào thăm Bác, tạo nên hình ảnh “ngày ngày” được lặp lại, vừa mang tính tuần hoàn, vừa thể hiện niềm khát khao vô tận về một cõi bất tử. “Tràng hoa” là hình ảnh ẩn dụ cho những người dân từ mọi miền đất nước đang hội tụ lại đây, nơi có Bác. 

Dù Người đã đi xa, nhưng hình ảnh Bác vẫn mãi hiện diện trong lòng dân tộc, trong trái tim mỗi người. Những dòng người nối tiếp nhau mỗi ngày vào lăng là sự bày tỏ lòng tiếc thương, sự tôn kính và niềm nhớ thương không bao giờ nguôi ngoai dành cho Bác Hồ.

Hình ảnh Bác nằm trong lăng được Viễn Phương khắc họa đầy chân thực:

Bác nằm trong giấc ngủ bình tên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nói ở trong tim!

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với những gian khổ, hy sinh vì đất nước và nhân dân. Khi đất nước giành lại độc lập, khi Nam Bắc thống nhất, thì Bác lại ra đi mãi mãi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng mọi người. 

Trong bài thơ, Viễn Phương như muốn tạm gác lại nỗi đau ấy khi viết: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên”. Câu thơ như muốn nói rằng Bác chỉ đang nghỉ ngơi trong một giấc ngủ vĩnh hằng, không phải là ra đi vĩnh viễn. Bác vẫn sống mãi trong trái tim của nhân dân, trong từng nhịp đập của đất nước.

Khổ thơ thứ ba thể hiện sự thương xót vô bờ bến và ước muốn của nhà thơ. “Bác như vầng trăng sáng dịu hiền”, đây là hình ảnh đẹp, tượng trưng cho sự thanh thản và yên bình của Bác. Người không hề mất đi, mà vẫn là vầng sáng chiếu rọi cuộc đời, vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân. 

Tuy nhiên, cảm xúc trong bài thơ đột ngột lắng xuống ở hai câu thơ cuối. Dù hiểu rằng “trời xanh là mãi mãi”, biểu tượng cho sự trường tồn và bất tử của Bác, nhưng mỗi khi nghĩ đến sự ra đi của Người, tác giả vẫn cảm thấy “nhói ở trong tim”. Nỗi tiếc thương ấy không thể nào nguôi ngoai, vì dù biết Bác đã đi xa, nhưng không ai có thể quên được sự vĩ đại của Người.

Nỗi tiếc nuối ấy chính là cảm giác chung của những người con của đất nước này, khi không còn được gặp lại vị lãnh tụ kính yêu. Dù đất nước đã được độc lập, Bác đã không còn, nhưng hình ảnh và di sản của Người vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Ở khổ thơ cuối cùng, Viễn Phương đã bộc lộ niềm mong muốn vô tận:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này

Điệp từ “muốn” được lặp lại ba lần trong bài thơ, như một sự khẳng định mạnh mẽ về ước nguyện cháy bỏng của nhà thơ. Đây là một mong muốn giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, một khao khát mãnh liệt của tác giả khi được ở bên cạnh Bác Hồ – một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. 

Những hình ảnh như “một con chim hót”, “một đóa hoa”, và “một cây tre trung hiếu” tuy nhỏ bé, tầm thường nhưng lại chứa đựng trong đó niềm ước ao chân thành của nhà thơ, mong muốn được làm một phần trong cuộc sống yên bình của Bác, dù chỉ là một điều nhỏ bé.

Chim hót sẽ ru giấc ngủ của Bác, hoa sẽ tỏa hương thơm, và cây tre sẽ luôn trung thành, như hình ảnh một con người Việt Nam trung hiếu, kiên cường. Nhịp thơ trong đoạn này chậm rãi, khác biệt so với những khổ thơ trước, như muốn kéo dài thêm những giây phút thiêng liêng, sắp phải chia xa. 

Hình ảnh cây tre một lần nữa xuất hiện, không chỉ là biểu tượng của sức mạnh và ý chí của dân tộc Việt Nam, mà còn là biểu tượng của sự trung thành và kiên định. Tác giả mong muốn trở thành cây tre trung thành bên lăng Bác, thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng và sự chỉ dẫn của Người.

Cả khổ thơ cuối bộc lộ niềm mong ước cháy bỏng của nhà thơ, cũng là mong ước của mỗi người con đất Việt: luôn được ở bên Bác, dù chỉ là một điều nhỏ bé, nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng lớn lao. 

“Viếng Lăng Bác” không chỉ là một bài thơ về lòng kính yêu đối với Bác, mà còn là sự tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng mà Bác đã để lại. Bác Hồ là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân tộc và trong trái tim nhân loại. Hình ảnh của Người luôn sắt son và bất tận theo thời gian.

Bài thơ “Viếng Lăng Bác” thật đẹp, đơn giản mà sâu sắc, đầy cảm xúc từ tận đáy lòng của tác giả. Không cần cầu kỳ, hoa mỹ hay lộng lẫy, bài thơ chạm đến trái tim người đọc một cách tự nhiên và chân thật, như chính tình cảm của những người con đất Việt dành cho Bác Hồ.

Vừa rồi, chúng tôi đã trình bày chi tiết về nội dung phân tích bài thơ Viếng Lăng Bác. Hy vọng những thông tin này sẽ mang lại sự hiểu biết sâu sắc và bổ ích cho quý bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của các bạn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *